Đó là nhận định chung của lãnh đạo một số doanh nghiệp bưu chính khi đề cập đến kinh nghiệm đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Ông Phó Đức Hùng, Phó giám đốc, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Công ty Bưu chính Viettel (VTP) nhấn mạnh: “Mưa bão cứ “đến hẹn lại lên” nên năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bão lụt, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra. Việc này sẽ giảm thiểu được rất nhiều thiệt hại của doanh nghiệp. Đơn cử như năm 2008 và đặc biệt là trong trận mưa lụt lịch sử tháng 11/2008 tại Hà Nội, do có kế hoạch, chuẩn bị từ trước nên Công ty Bưu chính Viettel hầu như không có thiệt hại lớn ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất kinh doanh”.
Còn ông Đỗ Văn Thủy, Phó Chánh văn phòng, thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão-giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) của VNPost thì cho biết: “Năm 2008 vừa qua, thiên tai, mưa lũ đã làm ách tắc nhiều tuyến đường thư, làm ngập lụt nhiều bưu cục, nhiều điểm phục vụ, gây hư hỏng một số trang thiết bị, máy tính, tủ quầy… với tổng thiệt hại về vật chất của VNPost là 4,1 tỷ đồng. Song con số thiệt hại còn lớn hơn nếu các đơn vị trong Tổng công ty không chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án dự phòng trường hợp bão, lụt từ sớm”.
Theo phân tích của ông Trần Hồng Đức, Phó phòng Kinh doanh Bưu chính, thành viên Ban chỉ huy PCLB-GNTT Bưu điện TP.Hà Nội - đơn vị từng phải đối phó với trận lụt lịch sử cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008, khi cung cấp dịch vụ tại khu vực nội đô, khó khăn lớn đối với doanh nghiệp bưu chính là việc khắc phục tình trạng xe bị ngập nước mỗi khi mưa lũ xảy ra. Bởi lẽ theo quy định, xe chạy trong thành phố phải là xe nhỏ, có gầm thấp. “Chính bởi khó khăn này nên trong đợt mưa bão đầu tháng 11/2008, trong tổng số thiệt hại vật chất của Bưu điện TP.Hà Nội là hơn 156 triệu đồng thì tiền để sửa chữa ôtô bị hỏng do bị “ngâm nước” lên tới hơn 104 triệu đồng. Rất may các xe của Bưu điện Hà Nội đều có mua bảo hiểm cả thân và vỏ xe nên tiền sửa chữa xe được cơ quan bảo hiểm thanh toán. Nhờ vậy, thiệt hại do mưa lũ của đơn vị được giảm đáng kể”, ông Đức nói.
“Phòng hơn chống”
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa mưa bão 2009 có nhiều diễn biến phức tạp; bão có thể nhiều hơn năm 2008 từ 5-6 cơn. Đặc biệt, lũ sẽ bắt đầu sớm hơn, ở miền Bắc có thể vào tháng 7, miền Trung vào tháng 8 và miền Nam khoảng tháng 10. Ông Đỗ Văn Thủy cho biết, VNPost đã lên kế hoạch sớm triển khai các nội dung công việc trọng tâm như: kiện toàn nhân sự Ban chỉ huy PCLB-GNTT các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên, đồng thời duy trì đội xung kích ở các đơn vị để phục vụ công tác phòng tránh, khắc phục tại chỗ, ứng cứu đường thư và hỗ trợ địa phương khi có lũ lụt, thiên tai xảy ra; tổng kiểm tra, thanh tra để sửa chữa bảo dưỡng kịp thời nhà trạm, bưu cục, kho tàng, hệ thống điện, phương tiện vận chuyển phục vụ trên các đường thư; chỉ đạo các đơn vị xây dựng bổ sung những phương án PCLB năm 2009 cụ thể, chi tiết, sát tình hình thực tế.
Bưu điện Hà Nội đến giờ này đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch triển khai PCLB năm 2009, trong đó xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo mạng lưới thông tin bưu chính được thông suốt để phục vụ Đảng, Nhà nước và chính quyền trên địa bàn TP, hạn chế thấp nhất gián đoạn thông tin phục vụ nhân dân. Công việc này được xác định là khó khăn hơn do địa bàn cung cấp dịch vụ bưu chính được mở rộng ra cả tỉnh Hà Tây (cũ).
Ông Trần Hồng Đức cho biết, các điểm khai thác kê cao những bục khai thác, giá để hàng hóa của khách hàng; lắp cao ống xả các xe thư để hạn chế việc xe bị ngập, chết máy; đăng ký sử dụng xe 2 cầu gầm cao; các đơn vị vận chuyển dự trù một số phương án, tuyến đường thư vòng tránh.
Còn với Bưu chính Viettel, mặc dù không bị thiệt hại nhiều trong mùa bão lụt 2008 song bước sang năm 2009, lãnh đạo đơn vị cũng không vì vậy mà chủ quan. Ông Phó Đức Hùng cho biết, quan điểm của VTP là “phòng trước, chống sau”, “phòng hơn chống”. Cụ thể là, ngay từ lúc lựa chọn địa điểm đặt các Trung tâm Khai thác, các bưu cục, lãnh đạo VTP đã phải tính đến “thế đứng chân” của các điểm này. Nhược điểm không có đất mà phải đi thuê lại là một ưu điểm tạo thuận lợi cho việc lựa chọn vị trí đặt bưu cục ở nơi cao ráo, tránh bị lụt khi mưa, bên cạnh các yêu cầu chuyên môn khác như tiện cho khách hàng giao dịch, tiện kết nối hành trình đường thư. Với quan điểm này nên đầu năm 2009, lãnh đạo VTP đã quyết định di dời Trung tâm khai thác Khu vực 1 tại Hà Nội, một trong những trung tâm giao dịch bưu phẩm lớn của công ty đặt tại Đường Láng đến địa điểm mới trên đường Khuất Duy Tiến, nơi có địa hình cao hơn, điều kiện bảo quản hàng hóa tốt hơn. Đồng thời, yêu cầu các bưu cục có vị trí không thuận tiện, khó kết nối với trung tâm khai thác khi có mưa bão cũng phải dịch chuyển. Đơn cử như ở Hà Nội, Bưu cục Ba Đình của VTP đặt tại địa chỉ số 333 Giảng Võ muốn kết nối với Trung tâm khai thác ở phố Khuất Duy Tiến phải đi qua đường Láng Hạ, con đường thường xuyên bị ngập nặng khi có mưa, khiến xe nhiều lần chết máy. Vì vậy, đến cuối tháng 6/2009 bưu cục Ba Đình sẽ được di chuyển đến địa điểm trên đường Láng có địa hình cao hơn nên không bị ngập và đảm bảo kết nối tốt hơn.
Theo ông Hùng, để đối phó tốt với “giặc trời”, vấn đề quan trọng là phải có kế hoạch từ trước, phải lường trước tình hình, diễn biến bão lũ sẽ xảy ra để đưa ra những giả thiết, những phương án khắc phục; đồng thời phải triển khai chống bão lụt đúng nguyên tắc “4 tại chỗ”, trong đó chỉ huy tại chỗ là quan trọng nhất. “Nhận thức rõ điều này, lãnh đạo VTP xác định mỗi khi bão lụt xảy ra ở khu vực nào thì giám đốc Trung tâm khai thác khu vực đó có toàn quyền chỉ huy công tác chống bão, lụt. Do đó, chúng tôi cũng chỉ đạo tất cả các trung tâm khai thác, chi nhánh, bưu cục đều phải xây dựng kế hoạch, phương án đối phó với bão, lụt. Từng đơn vị phải tự xây dựng kế hoạch cho mình thật chi tiết”, ông Hùng nhấn mạnh.