Ngày
30/7/2010, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ tổng kết xây dựng
Luật Bưu chính. Lễ tổng kết có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ
nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Đặng Vũ Minh cùng đại diện một số Ủy
ban của Quốc hội và đại diện các Bộ, ban, ngành.
Theo
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Ban soạn thảo
Luật Bưu chính, Bộ TT&TT được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự án
Luật Bưu chính. Để xây dựng dự án Luật này, Bộ TT&TT đã tổ chức
thực hiện nhiều hoạt động như: rà soát các văn bản pháp luật trong nước,
điều ước quốc tế về bưu chính; tổ chức nghiên cứu khoa học, tham khảo
kinh nghiệm của các nước có hoạt động kinh doanh và quản lý bưu chính
phát triển trên thế giới; tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Bưu chính,
Viễn thông; thực hiện điều tra, tham khảo ý kiến doanh nghiệp và các đơn
vị liên quan; khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh và quản lý bưu
chính tại một số doanh nghiệp; thực hiện các dự án tư vấn với chuyên gia
nước ngoài…
Dự
án Luật Bưu chính đã được Chính phủ thông qua với sự nhất trí cao tại
phiên họp thường kỳ tháng 4/2009 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, dự án Luật Bưu chính
đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ rất cao. Ngày
28/6/2010, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Luật Bưu chính.
Thứ
trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, đây là cột mốc quan trọng của nhà
nước ta trong quá trình hoàn thiện môi trường pháp lý về bưu chính, đảm
bảo quyền được tiếp cận các dịch vụ bưu chính cho toàn dân, tạo dựng và
hoàn thiện môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các doanh
nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ,
hướng tới đưa bưu chính nhanh chóng trở thành một ngành kinh tế năng
động.
Luật Bưu chính gồm 10 chương, 46 điều quy
định về hoạt động bưu chính; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân
trong hoạt động bưu chính và quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính.
Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2011.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: “Vấn đề quan trọng là phải triển khai đưa đạo luật đi vào cuộc sống”. Ảnh: Minh Tú.
Phát
biểu tại lễ tổng kết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng
Luật Bưu chính được thông qua không có nghĩa là chấm dứt mà vấn đề quan
trọng là phải triển khai đưa đạo luật đi vào cuộc sống. Vì thế, ngoài sự
nỗ lực của ngành bưu chính, rất cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt
chẽ hơn nữa giữa Bộ TT&TT với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy
ban KHCN&MT Quốc hội, đồng thời phải có sự đồng thuận cao từ trên
xuống dưới để quyết tâm đưa đạo luật này có sức sống, tuổi thọ lâu dài
trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước.
Bộ
trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, Trưởng Ban biên soạn Luật Bưu chính
cũng khẳng định sau khi Luật Bưu chính được ban hành, vấn đề quan trọng
nhất là tổ chức thực hiện thành công luật này trong cuộc sống.
Theo
Bộ trưởng, Bộ TT&TT sẽ cụ thể hóa các văn bản pháp quy vừa được
Quốc hội thông qua thành những văn bản dưới luật để tổ chức thực hiện
thành công những vấn đề liên quan đến pháp luật chuyên ngành; phấn đấu
ban hành các văn bản pháp luật nhanh hơn, sát hơn, hiệu lực hơn để quản
lý, đưa ngành TT&TT phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế, chính
trị, kỹ thuật tổng hợp và sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT.
Đó là khát vọng của thế hệ trẻ Việt Nam, khát vọng của nhân dân Việt
Nam và cũng là ý chí, quyết tâm rất cao của ngành TT&TT Việt Nam.
Cũng
tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự
nghiệp TT&TT cho ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban
KHCN&MT Quốc hội; tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 16 cá nhân đã có
thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng Luật Bưu chính.